Tiểu sử Vĩnh_Giác_Nguyên_Hiền

Sư họ Thái, quê ở Kiến Dương, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Lúc nhỏ, sư theo học các kinh sách Nho Giáo và rất tinh thông, đến năm 20 tuổi được bổ nhiệm chức Thái Học sinh.

Năm 25 tuổi, sư nghe một vị tăng tụng Kinh Pháp Hoa đến câu “Khi ấy, Ta hiện thân thanh tịnh sáng suốt...” và cảm ngộ và nói rằng: ”Ngoài cái học của Chu, Khổng, quả thật còn có một việc lớn khác!”. Từ đó sư để tâm nơi Phật pháp và thông suốt nhiều kinh điển.

Sư từng đến yết kiến và tham Thiền dưới sự chỉ dạy của Thiền sư Vô Minh Huệ Kinh trong nhiều năm và đến năm 40 tuổi mới được thầy cho phép cạo tóc xuất gia. Một hôm, sư đọc Kinh Pháp Hoa và tỏ ngộ, liền đến gặp Thiền sư Huệ Kinh khi ấy ngài đang từ ngoài ruộng trở về chùa. Sư hỏi:.”Bạch hoà thượng! Thế nào là thân thanh tịnh quang minh?”.Tổ không đáp, chỉ giũ tay áo đứng im. Sư lại hỏi: ”Bạch hoà thượng! Chỉ có vậy thôi, có còn gì nữa không?” Tổ lại bước đi. Ngay lúc đó, sư chợt đại ngộ và theo Tổ vào phương trượng để trình sở ngộ nhưng bị ngài đánh cho 3 gậy và nói: ”Từ nay về sau, ông không được cẩu thả như thế nữa!”. Và tổ khai thị cho sư câu kệ: ”Cho dù cưỡi được lưng sư tử / Ba hèo ra mắt tự đổ nhào”.

Nghe câu kệ này, sư càng thắc mắc, miên mật nghi tình hơn. Sau khi Thiền sư Huệ Kinh thị tịch, sư đến y chỉ tu hành và thọ giới cụ túc với pháp huynh là Thiền sư Bác Sơn Nguyên Lai. Không lâu sau, sư từ giã trở về Phúc Kiến. Tháng 9, năm thứ 03 niên hiệu Thiên Khải (1623) đời nhà Minh, lúc đó sư đã 46 tuổi, khi nghe một vị tăng tụng Kinh Pháp Hoa đến câu: “Chư Phật đều tằng hắng và khảy móng tay” và được đại triệt đại ngộ, phá vỡ tất cả nghi ngờ bấy lâu. Và làm bài kệ tỏ ngộ:

Gà vàng mổ nát lưu ly biếc

Hoàn toàn ngơi nghỉ chỉ tự hay

Nằm yên trên thuyền, trời đã sáng

Trước non mưa tạnh, tiếng chim kêu

Sau đó, Sư về ở am Kim Tiên, đọc Đại Tạng Kinh Điển ba năm rồi ẩn tu nơi núi Hà Sơn. Năm 1633, sư đến yết kiến Thiền sư Vân Cốc Quảng Ấn và học giới pháp của Thiền sư Vân Thê Châu Hoằng, từ đó sư chủ trương Thiền-Luật song hành.

Vào năm thứ 7 (1634) niên hiệu Sùng Trinh, sư đến trụ trì tại núi Cổ Sơn, lúc đó sư đã gần 50 tuổi. Sư từng trụ trì và khai đường thuyết pháp tại nhiều ngôi đạo tràng như Khai Nguyên tự, Chân Tịch tự, Bảo Thiện tự... và xiển dương pháp của Tông Tào Động rất mạnh, từng có nhiều người đến tu học và đại ngộ. Tuy nhiên chỉ có duy nhất môn đệ là Vi Lâm Đạo Bái được sư ấn chứng và cho nối pháp.

Sư có công trong việc phục hồi Tông Tào Động dưới thời Minh- Thanh với những tác phẩm trình bày về đường lối tu tập Thiền tông, yếu chỉ của Tông Tào Động và được lưu hành rộng rãi, ngoài ra sư cũng quan tâm đến việc truyền bá và phổ cập Phật Pháp đến các tầng lớp bình dân, dạy họ niệm Phật, phóng sinh, giữ giới.

Đến ngày mồng 7 tháng 10 năm thứ 14, niên hiệu Thuận Trị (1657) đời Thanh, sư an nhiên tọa Thiền thị tịch, môn đệ trà tỳ xây tháp thờ tại núi Cổ Sơn.